TP.Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hóa, con người gắn với phát triển bền vững
(Hochiminhcity.gov.vn) – Ngày 25/12, Ban Thường vụ Thành ủy TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà; nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Trần Kim Yến…
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, về trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thành phố được nâng lên, thể hiện rõ nét trong nhận thức và hành động, xây dựng con người được xem là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược và quyết định trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh phù hợp với vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt.
Truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.Hồ Chí Minh tiếp tục được bồi đắp, phát huy; lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được tiếp tục vun đắp và phát triển. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân TP, thể hiện qua nhiều phong trào hành động cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách lành mạnh, tiến bộ, vừa hội tụ, vừa lan tỏa; đại bộ phận cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân TP tích cực hưởng ứng các hoạt động chăm lo, giúp đỡ gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, neo đơn,... về vật chất và tinh thần, văn hóa.
Thành tựu này tiếp tục khẳng định và ngày càng thể hiện các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng tốt đẹp của Nhân dân TP, là sức mạnh, tạo động lực tiếp tục xây dựng TP.Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Toàn cảnh hội nghị.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao. Hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo, giữ gìn và phát triển văn học, nghệ thuật cách mạng đương đại, tiếp thu tiến bộ, phát huy chủ nghĩa yêu nước, nhân văn…
Ngoài ra, các chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố. Công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập mang lại nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá, thời gian qua TP.Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả nhiều phong trào, chương trình về phát triển văn hóa. Triển khai sâu rộng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và đã mang lại những kết quả bước đầu. Cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh cũng tập trung kết nối văn hóa và kinh tế, hợp tác quốc tế để vừa bảo tồn giới thiệu văn hóa, vừa tiếp cận những giá trị tiên tiến. TP đã triển khai các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” cùng nhiều hoạt động lễ hội, chương trình nghệ thuật quy mô lớn, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng khu dân cư sạch đẹp, an toàn, phát huy vai trò tự quản và sáng tạo của cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành đề án phát triển công nghiệp văn hóa, có các hoạt động đầu tư để phát triển văn hóa, thể thao. Năm 2023 và 2024, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được diễn ra thường xuyên, có tính chất thường niên, định kỳ, hướng tới xây dựng thương hiệu của TP. TP có những tổ chức đại diện rất mạnh, vừa đóng góp cho TP về định hướng, vừa đóng góp cho Thành phố về kế hoạch triển khai, đóng góp cho TP về cơ chế chính sách. "Gần như mỗi tháng, thành phố đều có các sự kiện văn hóa, tạo thành chuỗi các hoạt động và từ đây giới thiệu văn hóa, xây dựng thương hiệu của thành phố", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, bên cạnh những điểm đạt được, cũng còn những hạn chế, văn hóa thành phố chưa thực sự ngang bằng với sự phát triển, nhất là các công trình xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm. Ngoại giao văn hóa mới dừng lại ở bước khởi nguồn, chưa khai thác được hết nguồn lực rộng lớn từ cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các địa phương bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng việc duy trì các hoạt động trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn hạn chế, cần phát huy và lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vào tâm hồn mỗi người dân thành phố, chứ không chỉ dừng lại ở không gian vật lý.
Vì vậy thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề cập đến 6 nhóm nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp để cập nhật, bổ sung chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục triển khai Nghị quyết 33, Kết luận 76 gắn với cụ thể hóa các cái hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và những chuẩn mực của con người Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh – những điểm chung, điểm riêng, đặc điểm riêng, điểm nổi bật, nổi trội của văn hóa và con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết sẽ chỉ đạo xây dựng một kế hoạch của UBND Thành phố triển khai các cái nội dung nói trên, đồng thời tiến hành xây dựng văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, ở từng cấp, trong mỗi gia đình và trong mỗi người dân thành phố. Trong tháng 1 tới, cố gắng hoàn thành cập nhật chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, hoàn thành kế hoạch của UBND Thành phố và kế hoạch triển khai ở các cấp ủy, các đơn vị.
Thứ ba, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Theo Chủ tịch UBND TP, nếu tập trung làm mạnh mẽ sẽ tạo ra được sự chuyển biến và nét rất riêng của thành phố. Môi trường văn hóa này phải được rà soát lại, phải được làm bài bản ở từng cơ quan, đơn vị. Môi trường văn hóa này ở trong mỗi gia đình và ngành giáo dục phải hết sức chú ý xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi trường học, trong học đường, trong ngành giáo dục.
Thứ tư, xây dựng văn hóa chính trị và văn hóa kinh tế. Theo Chủ tịch UBND TP, văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế không phải chỉ là những biểu hiện thông thường trong quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế mà là quyết tâm chính trị, là bản lĩnh chính trị, đó là một khát khao để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, xây dựng đất nước hùng cường. Đó là tinh thần đi tiên phong, đóng góp quan trọng trong kỷ nguyên dân tộc vươn mình phát triển.
Thứ năm, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa. Trước hết là bảo tồn, phát huy di tích, di sản văn hóa dân tộc; tiếp theo là hoạt động văn hóa nghệ thuật; sau đó là hoạt động văn hóa trên không gian mạng; hoạt động giao lưu quốc tế.
Thứ sáu, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất. Thành phố phải có một cái kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực, kết nối nguồn nhân lực cũng có chính sách để hỗ trợ đào tạo cho lực lượng rộng hơn và có kết nối.
Minh Dung
Từ khoá