Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành năm 2017
Hội nghị nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thị trường tại TPHCM; kết nối hàng nông sản, sản phẩm đặc sản; kết nối nhà cung ứng – nhà phân phối. Bên cạnh đó, hội nghị năm nay còn tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giao dịch, nhằm tăng cường các mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu. Ngoài việc kết nối trực tiếp theo phương thức truyền thống, hội nghị năm nay thực hiện kết nối online thông qua website www.ketnoicungcau.vn, mở rộng các kênh thông tin, các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tiếp cận, kết nối.
Hội nghị thu hút 2.797 doanh nghiệp của 40 tỉnh, thành đăng ký tham gia, quy mô 450 gian hàng, gồm: khu vực trưng bày các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền; Ngôi nhà địa phương và khu vực trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, các sản phẩm uy tín của TPHCM và các tỉnh, thành.
Hội nghị có nhiều sự kiện, gồm: Các hội thảo, hội nghị tiếp xúc, giải đáp, kết nối giữa các nhà phân phối và đơn vị cung ứng tiềm năng; Hội thảo kết nối sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại; Hội thảo kết nối cung – cầu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; Hội thảo kết nối sản phẩm vào kênh phân phối truyền thống; Hội thảo “Các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản thực phẩm”; Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017.
Năm 2011, trước thực trạng nhà sản xuất khó tìm đầu ra nên không dám mạnh dạn đầu tư, quy mô nhỏ lẻ, không có thương hiệu; trong khi đó nguồn hàng cân đối cung cầu, bình ổn thị trường không ổn định; TPHCM đã tiên phong triển khai Chương trình Hợp tác Thương mại với các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ; trong đó điểm nhấn là hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, định hướng đầu tư quy mô lớn, truy xuất nguồn gốc. Kết quả đến nay cho thấy lựa chọn của Thành phố là đúng đắn, Chương trình đã khẳng định thương hiệu và được các địa phương hết sức quan tâm, đề nghị tiếp tục tổ chức định kỳ, đồng thời tạo được sức lan tỏa lớn, trở thành xu thế chung của các địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Không chỉ kết nối tiêu thụ hàng hóa, thông qua Chương trình, TPHCM đã tìm kiếm, chọn lọc được nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành tham gia bình ổn thị trường; kết nối thực hiện được 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch 2.500 tỷ đồng mỗi năm.
Từ khoá