Xuất bản thông tin

TPHCM: Tăng cường giám sát cung - cầu, giá cả hàng tết

TRANG CHỦ / TIN TỨC

TPHCM: Tăng cường giám sát cung - cầu, giá cả hàng tết

Ngày 22-12, Tổ điều hành thị trường trong nước do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TPHCM về công tác cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Bính Thân 2016 và các giải pháp ổn định thị trường trên địa bàn TP.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khẳng định, hàng hóa phục vụ tết năm nay rất dồi dào, phong phú. TPHCM sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm và ổn định giá hàng tết.

 

 

Hơn 16.000 tỷ đồng hàng hóa tết

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, năm nay do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2016 cách nhau hơn một tháng và thời gian nghỉ tết dài ngày, vì vậy dự báo sức mua sẽ tăng vào những ngày cận tết. Lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng 15% - 20% so với Tết Ất Mùi 2015. Để đảm bảo cung cầu, các doanh nghiệp (DN) của TPHCM đã cơ bản hoàn tất kế hoạch chuẩn bị hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân 2016 là 16.208,8 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so với nguồn vốn chuẩn bị của Tết Ất Mùi 2015 (15.746,8 tỷ đồng). Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Bính Thân 2016, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường đạt gần 4.000 tỷ đồng.

 

Tại 3 chợ đầu mối đến nay đã hoàn thành kế hoạch phục vụ tết với lượng hàng hóa nhập chợ trong những ngày cao điểm tết dự kiến đạt trên 8.000 tấn/ngày, tăng 50% - 70% so với ngày thường. Riêng chợ đầu mối Bình Điền sẽ tổ chức Hội hoa xuân từ ngày 20 - 30 tháng Chạp trên tổng diện tích 25.000m2 với gần 250 gian hàng. Riêng khu vực các chợ truyền thống, Sở Công thương phối hợp với Ngân hàng Sacombank đã triển khai gói vốn vay 1.500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tiểu thương chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.

 

Cùng với các DN bình ổn, các DN sản xuất bánh mứt, nước giải khát, rượu bia đã nắm chắc nguồn cung và lượng hàng cung ứng ra thị trường. Các DN bánh kẹo cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới, với tổng sản lượng 18.000 tấn, tăng 10% - 20% so với năm ngoái, giá không tăng so với tết năm 2015. Đối với mặt hàng bia, nước giải khát, nhu cầu sử dụng tại TP khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát trong tháng tết. Theo thông tin từ các nhà máy bia, sẽ không tăng giá bán bia trong dịp tết để ổn định thị trường.

 

 

Cam kết giữ ổn định giá bán

 

Ở góc độ nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op đã làm việc xong với các nhà cung cấp và DN sản xuất về lượng hàng hóa cũng như chốt giá đối với nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ tết, với tổng lượng hàng tết đạt 95.000 tấn, trị giá gần 5.000 tỷ đồng. Hiện Saigon Co.op đã ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ với các nhà vườn, phát triển thêm nhiều mặt hàng mới, phục vụ cho mùa tết như gà ta, trái cây và thực phẩm đặc sản tết của các vùng, miền; tổ chức việc cung ứng các mặt hàng như thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, gói quà tết... đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Thương mại Saigon (Satra) cũng cho hay, Satra chuẩn bị 6.819,36 tấn hàng hóa trong tháng tết (tăng 10%), trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như thịt gia súc, thực phẩm chế biến, đường, gạo các loại, dầu ăn, bia và nước giải khát, bánh kẹo các loại, tương đương 2.100 tỷ đồng. Công ty Ba Huân cũng tăng lượng trứng gia cầm lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cam kết giữ giá bán ổn định trong các tháng tết.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, thị trường Tết Bính Thân tại TPHCM sẽ không rơi vào tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đảm bảo cho nhân dân TP đón tết “vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm”. Để thực hiện được chủ trương này, TPHCM đang triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện kế hoạch tạo nguồn và cung ứng hàng hóa của các DN bình ổn; tăng và kéo giãn thời gian mở cửa bán hàng tại các siêu thị; thường xuyên kiểm tra trực tiếp các điểm bán hàng bình ổn thị trường, đánh giá việc chấp hành quy định về quy cách bảng hiệu, niêm yết giá; kiểm tra đột xuất các điểm bán hàng lưu động theo danh sách; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm… TPHCM đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp tết.

 

Riêng đối với hàng bình ổn, theo Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa, từ đầu năm đến nay luôn đảm bảo thấp hơn giá thị trường 5% - 15%. Hiện độ phủ của hàng bình ổn đã đến tất cả các địa bàn TP, do vậy thị trường tết sẽ khó có khả năng biến động giá do lượng hàng nhiều và giá bán đều đã được chốt lại.

 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao sự chủ động, nỗ lực của TPHCM trong việc chuẩn bị hàng hóa, cũng như các giải pháp ổn định thị trường tết. Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường TPHCM đã được xã hội hóa rất cao, mang lại hiệu quả thiết thực cho TP trong việc điều phối hàng hóa, giá cả, góp phần kéo giảm mức tăng CPI của cả nước. Thứ trưởng cũng lưu ý TPHCM cần theo dõi sát hơn nữa về cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng, rau củ quả… Mặc dù chuẩn bị hàng hóa rất dồi dào, phong phú, nhưng nếu chúng ta thiếu cảnh giác, ngay lập tức thị trường sẽ rơi vào tình trạng khan hàng, sốt giá. TPHCM cần lưu ý thêm về giá cước đi lại trong dịp tết, cố gắng quản lý chặt khâu phụ thu, không để tăng quá cao và kéo dài. Đối với các loại hình dịch vụ khác, TP cũng có kế hoạch kiểm tra, giám sát về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân và du khách hưởng tết an toàn và tiết kiệm.

 

Không tăng giá hàng hóa trong 2 tháng tết

Theo Sở Công thương TPHCM, giá bán hàng hóa tham gia Chương trình bình ổn thị trường Tết Bính Thân 2016 đảm bảo ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, kể từ ngày 8-1-2016 đến 8-3-2016). Trong tháng tết, các DN và các hệ thống phân phối sẽ có kế hoạch giảm giá khuyến mãi từ 5% - 49%, đồng thời vào các ngày cận tết sẽ thực hiện giảm giá sâu một số mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt gia cầm, gia súc.

 

(Theo Thúy Hải - SGGP)

Từ khoá

Xuất bản thông tin